Trên thế giới, Công tác xã hội đã có quá trình phát triển gần 100 năm, là một nghề được xã hội tôn vinh, đánh giá cao vì sự đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Ở nước ta, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã nẩy sinh nhiều vấn đề đang là thách thức cho toàn xã hội. Để giải quyết các vấn đề đó đòi hỏi cần có những nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn chưa có một hành lang pháp lý công nhận Công tác xã hội là một nghề, mặc dù từ năm 2004 đến nay đã có gần 40 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước đào tạo ngành Công tác xã hội. Sự ra đời của Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều cơ hội làm việc cho các sinh viên ngành Công tác xã hội đã, đang và sẽ được đào tạo ở các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước, trong đó có trường Đại học Vinh. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2015 Công tác xã hội sẽ được công nhận là một nghề thì việc nâng cao nhận thức về nhu cầu của toàn xã hội đối với nghề là rất cần thiết.
Kiến thức và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội sau khi ra trường sẽ hội đủ các kiến thức chung của khối khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến giáo dục học học, khoa học giao tiếp, quản trị học căn bản và thống kê xã hội học… Kiến thức cơ bản về ngành như phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu xã hội học, tâm lý học xã hội, hành vi con người và môi trường xã hội… Đặc biệt sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành bao gồm kiến thức làm việc với cá nhân (trẻ em có biểu hiện lệch lạc trong phát triển, người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghiện ma tuý, gái mại dâm, phụ nữ yếu thế, bệnh nhân, học sinh tự kỷ, người vi phạm pháp luật....trong các cơ sở xã hội, bệnh viện, trường học, toà án...), với nhóm xã hội và với cộng đồng gặp các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội... Ngoài ra sinh viên còn có kiến thức về chính sách an sinh xã hội, tham vấn, quản trị công tác xã hội...Bên cạnh kiến thức sinh viên còn được học các kỹ năng để trực tiếp làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng bao gồm kỹ năng giao tiếp, đàm phán, lắng nghe, quan sát, phỏng vấn, thu thập thông tin, tổ chức cuộc họp với người dân, tổ chức tập huấn...
Như vậy sau khi ra trường sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có khả năng phát hiện, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, phát triển cũng như tiềm năng ở cộng đồng, huy động và liên kết người dân trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề có liên quan, đồng thời có khả năng tham gia hay điều hành các dự án phát triển…
Nhu cầu đào tạo nhân viên Công tác xã hội
Nền kinh tế thị trường với sự hội nhập ngày càng toàn diện vào nền kinh tế thế giới đã đưa kinh tế nước ta không ngừng phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới...Tuy nhiên những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã kéo theo các vấn đề xã hội phát sinh và phát triển như: tệ nạn xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, thất nghiệp, thiên tai, hạn hán, thất học, phát triển lệch lạc tâm lý hành vi....Bên cạnh đó hiện nay nước ta có khoảng 8,6 triệu người cao tuổi, 5,1 triệu người tàn tật, 4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... trong khi số cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở phục vụ các đối tượng vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí có người chưa được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ. Theo tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thì ở nước ta hiện nay số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già ở các gia đình, bệnh viện cũng lên tới gần chục nghìn người; số cộng tác viên làm công tác dân số và bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các thôn bản lên tới 162.000 người. Trừ số cán bộ được đào tạo ở trình độ Đại học và Cao đẳng, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản, họ chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kỹ năng và hiểu biết về Công tác xã hội. Một nghiên cứu mang tính tổng quát “Nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo cho phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam” do Trường Đại học Lao động - Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lạng Sơn, Tp Hồ Chí Minh, và Đồng Tháp) với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNICEF được tiến hành vào 2005. Kết quả thu được từ nghiên cứu này càng khẳng định thêm về thực trạng cán bộ xã hội được đưa ra từ những nghiên cứu trước đây. Hầu hết số họ đang thực hiện công tác trợ giúp, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, hôn nhân và gia đình, mại dâm, sức khoẻ tâm thần, HIV/AIDS, lạm dụng chất gây nghiện, nghèo đói, người cao tuổi... Số cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn là rất nhỏ, chủ yếu là qua các lớp ngắn hạn về Công tác xã hội. Số cán bộ đã qua các khoá tập huấn “Công tác xã hội” mới chỉ chiếm trên 1/2. Mặc dù thâm niên công tác của họ tương đối cao nhưng chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo của họ lại rải rác ở nhiều lĩnh vực như y tế, điều dưỡng, giáo dục, luật, xã hội học, kế toán và thậm chí cả nông nghiệp. Chính vì vậy 100% số họ khẳng định họ rất cần được đào tạo hay tập huấn nâng cao về Công tác xã hội. Một giả thiết có khoa học được TS. Bùi Thị Xuân Mai, Trường Đại học Lao động – Xã hội đặt ra nếu tính riêng trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trung bình mỗi xã phường cần 1 cán bộ xã hội (cán bộ chính sách); quận, huyện cần 2 cán bộ xã hội, và sở (tại các tỉnh thành) cần 2 cán bộ xã hội và mỗi trung tâm cần 4 cán bộ xã hội ở trình độ đại học và họ được bố trí tại 9,976 xã phường, 625 quận huyện, 64 tỉnh thành và hàng trăm trung tâm thì chúng ta cần có trên 12.000 cán bộ xã hội đã qua đào tạo Công tác xã hội. Đó là chưa kể tới số cán bộ xã hội cần có trong những ngành liên quan như Hội phụ nữ, Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, trường học, toà án, các viện nghiên cứu ... Như vậy tổng số nhu cầu cán bộ xã hội có trình độ đại học cần được đào tạo trên cả nước có thể lên tới 30.000 và phải mất một thời gian khá dài mới đào tạo hết số lượng cán bộ xã hội trên để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Vị trí làm việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội
Hiện nay nhận thức của xã hội đối với nghề Công tác xã hội còn nhiều hạn chế, thậm chí một số học sinh vừa tốt nghiệp THPT, muốn đăng ký thi vào ngành Công tác xã hội ở các trường nhưng các em chưa biết được học Công tác xã hội sau ra sẽ làm gì?, làm ở đâu?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội khi đó họ được công nhận là những nhân viên xã hội (cán bộ xã hội) chuyên nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu về kinh tế - xã hội như: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Xã hội học, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Viện Khoa học pháp lý, Viện Nhà nước Pháp luật, Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng…; Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có đào tạo ngành Công tác xã hội; Các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội như: Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm cai nghiện ma tuý, phục hồi nhân phẩm, nhân đạo, nuôi dưỡng người già, tư vấn, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận huyện, cán bộ chính sách các xã phường, thị trấn ...; Các cơ quan, tổ chức xã hội như: Trường học, Bệnh viện, Toà án, Ngành Văn hoá – Xã hội, Ủy ban Dân số các cấp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…; Bộ phận nghiên cứu, điều tra thị trường của các đơn vị kinh tế như các tổng công ty, công ty, nhà máy, xí nghiệp…; Nhân viên hay tình nguyện viên của các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình, dự án trong lĩnh vực trẻ em, chăm sóc sức khoẻ, phát triển cộng đồng...; Các trung tâm tư vấn tâm lý của các cơ quan truyền thông đại chúng như: báo viết, đài truyền thanh, truyền hình, hộp thư tư vấn...
Có thể nói với xu thế phát triển của xã hội hiện nay thì những tồn tại đặt ra đang rất cần những nhân viên xã hội chuyên nghiệp có phấm chất, kiến thức và kỹ năng, được đào tạo bài bản ở các trường Đại học, Cao đẳng. Nhận thấy được nhu cầu của xã hội đối với nghề Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh – một trường Đại học đa ngành, đa lĩnh vực ở khu vực Bắc miền Trung đã mở mã ngành đào tạo Công tác xã hội từ 3 năm nay, với số lượng sinh viên vào học hàng năm từ 120 – 150 em. Đối với một ngành mới thì đây là con số quả là không nhỏ. Với cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên như hiện nay Trường Đại học Vinh đang sẵn sàng đón các bạn yêu nghề Công tác xã hội và mong muốn trở thành một nhân viên xã hội chuyên nghiệp trong tương lai.
Sau đây là một số hình ảnh hoạt động chuyên môn của sinh viên CTXH trường Đại học Vinh: